JLL: Tổng quan Kinh tế Việt Nam Q3 2018

DP của Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trong chín tháng kể từ năm 2011 với mức tăng trưởng 6,98% so với cùng kỳ.

tháng mười 16, 2018

Nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng: GDP của Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trong chín tháng kể từ năm 2011 với mức tăng trưởng 6,98% so với cùng kỳ. Trong Q3.18, GDP đạt mức tăng trưởng 6,88%, mặc dù thấp hơn mức tăng 7,45% của quý I nhưng cao hơn mức tăng 6,73% trong quý II năm nay. Kết quả này đã chứng minh sự quản lý kịp thời và hiệu quả của chính phủ để cải thiện sự tăng trưởng của tất cả các ngành, theo Tổng cục Thống kê. Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể 8,89% trong 9 tháng đầu năm 2018, khu vực dịch vụ và khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tiếp tục tăng mạnh, lần lượt là 6,89% và 3,65%. Trong quý cuối cùng của năm, nền kinh tế Việt Nam có thể đối mặt với những thách thức do lạm phát, chiến tranh thương mại toàn cầu và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đồng đô la. Tuy nhiên, nếu tốc độ tăng trưởng hiện tại của tất cả các thành phần kinh tế vẫn được giữ vững, thì mục tiêu 6,7% trong năm 2018 có thể vượt qua.

Doanh số bán lẻ và lượng khách quốc tế tiếp tục tăng: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tính đến T9.2018 đạt mức tăng trưởng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số khách du lịch quốc tế trong chín tháng đầu năm 2018, theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, đạt hơn 11,61 triệu lượt khách, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn chiếm lượng khách lớn nhất, với tổng số hơn 6,3 triệu lượt khách đến Việt Nam.

FDI của Việt Nam ổn định tăng trưởng: Tính đến tháng 9 năm 2018, tổng vốn FDI cam kết đạt gần 25,37 tỷ USD, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, có 2.182 dự án đăng ký mới trị giá 14,1 tỷ USD, bằng 97% so với cùng kỳ năm trước. Vốn giải ngân FDI đạt 13,25 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong 17 ngành đầu tư, khu vực hấp dẫn đầu tư nhất thuộc về công nghiệp chế biến và chế tạo, đạt 11,3 tỷ USD và chiếm 44,6% tổng vốn đầu tư. Ngành bất động sản và bán lẻ vẫn đứng thứ 2 và thứ 3 với 5,8 tỷ USD và 2,1 tỷ USD. Trong số 104 quốc gia đầu tư tại Việt Nam, Nhật Bản vẫn đứng đầu với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD, chiếm 28% tổng vốn FDI, Hàn Quốc theo sau với 5,6 tỷ USD và Singapore đứng thứ ba với 3,6 tỷ USD. Các dự án Thành phố thông minh với tổng vốn đầu tư 4,14 tỷ USD tại Hà Nội do Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư, dự án nhà máy sản xuất polypropylene do Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đầu tư với tổng số vốn 1,2 tỷ USD tại BR-VT, dự án Công ty TNHH Laguna (Việt Nam) tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD của nhà đầu tư Singapore tại Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục đứng đầu danh sách các dự án đáng chú ý trong 9 tháng vừa qua.

Chỉ số giá tiêu dùng trong quý III năm nay vẫn tăng: 3,57% là mức tăng trung bình của CPI của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 9, CPI của Việt Nam tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,59% so với tháng 8, chủ yếu do sự tăng vọt trong học phí và chi phí điện và khí đốt. Trong 11 nhóm sản phẩm và dịch vụ được khảo sát, chi phí y tế, học phí và giá ngành thực phẩm trong chín tháng năm 2018 ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất lần lượt là 18,26%, 7,02% và 4,09% cùng kỳ năm trước. Chỉ số nhà ở và vật liệu xây dựng tăng trung bình 3,73% so với cùng kỳ trong khi dịch vụ viễn thông giảm 0,60%, điều này đã giúp bình ổn thị trường. Có thể thấy rằng những nỗ lực của chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2018 vẫn có thể đạt được, trong đó Bộ Tài chính dự báo CPI cả năm 2018 sẽ tăng từ 3,73% - 3,95%. Tuy nhiên, việc quản lý giá vẫn cần được tiến hành cẩn thận do chiến tranh thương mại và thị trường tài chính toàn cầu phức tạp. 

Thặng dư thương mại của Việt Nam tiếp tục: Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, thặng dư thương mại của cả nước tính đến ngày 15 tháng 9 năm 2018 đã đạt 5,57 tỷ USD. Ước tính kim ngạch xuất khẩu chín tháng năm 2018 đạt 178,91 tỷ USD, tăng mạnh 15,4%, trong khi giá trị nhập khẩu đạt 173,52 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ và EU vẫn giữ kỷ lục là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất trong bối cảnh chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc tiếp tục leo thang với 34,9 tỷ USD, tăng mạnh 12,5% và 31,1 tỷ USD, tăng 9,6%, so với cùng kỳ năm 2017. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu bao gồm điện thoại và thiết bị, đồ điện tử, hàng dệt may. Trong khi đó, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là nguồn nhập khẩu chủ chốt với tổng trị giá nhập khẩu là 47,1 tỷ USD và 35 tỷ USD cho ga và dầu khí, hàng may mặc, máy móc, thiết bị điện tử, máy tính, điện thoại di động và các thiết bị khác.

Số lượng doanh nghiệp mới đăng ký tăng mạnh: Tính đến Q3.18, tổng số doanh nghiệp mới thành lập là 96.611 doanh nghiệp, tăng 2,8% về số lượng công ty và 6,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Mỗi doanh nghiệp mới thành lập có trung bình vốn đăng ký là 10 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng năm 2018, số lượng doanh nghiệp mới trong lĩnh vực bất động sản đạt hơn 5.000, tăng 41,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 5,1% tổng số doanh nghiệp đăng ký. Đã có 73.103 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vào cuối tháng 9 năm 2018, tăng 48,1% và bao gồm 50.050 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động mà không đăng ký hoặc chờ giải thể, cho thấy tỷ lệ cao 62,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Tải Báo Cáo Nghiên cứu Thị trường Bất động sản Quý 3/2018 TẠI ĐÂY.

About JLL


Bạn muốn tìm hiểu thêm? Nói chuyện với đội ngũ của chúng tôi