Thị trường bán lẻ tại Hà Nội Q1 2022
Giá thuê tăng nhẹ so với quý trước
Theo báo cáo Q1.22 của JLL, do số ca Covid tại Hà Nội tăng đạt đỉnh vào tháng 3, các dự án dự kiến đi vào hoạt động trong quý phải dời lịch đến cuối năm để đạt tỷ lệ lấp đầy mong muốn trước khi mở cửa. Do đó, tổng nguồn cung của thị trường bán lẻ Hà Nội vẫn ổn định ở mức 1,09 triệu m2 NLA, chủ yếu ở các khu vực Ngoài trung tâm. Một số trung tâm thương mại đã tận dụng dịp thấp điểm này để cải tạo lại mặt bằng như Indochina Plaza Hanoi ở quận Cầu Giấy. Tính đến cuối quý tổng diện tích trống của TTTM tại Hà Nội là hơn 50.000 m2 sàn, trong đó hầu hết các diện tích trống có diện tích từ 350-500 m2.
Tỷ lệ hấp thụ ròng âm tiếp tục ảnh hưởng thị trường
TTTM tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt khi tình hình tại Hà Nội trở nên phức tạp hơn trong Q1.22 với tổng hấp thụ ròng âm ở mức -6.407 m2 trên toàn thành phố. Ngoài một giao dịch đáng chú ý với diện tích 1.000 m2 tại AEON Mall Hà Đông, mức hấp thụ ròng âm vẫn tiếp tục bao trùm bức tranh thị trường khi các nhà bán lẻ nhỏ trong nước phải đóng cửa các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả. Một số khách thuê cung cấp các dịch vụ như khu trò chơi, sân chơi cho trẻ em cũng phải tạm thời đóng cửa do khách hàng đang hạn chế các hoạt động tập trung đông người.
Giá thuê tăng nhẹ so với quý trước
Nhìn chung, giá thuê thuần ở các TTTM Trọng điểm ở khu vực Trung tâm và Ngoài Trung tâm đạt 63,6 USD/m2/tháng và 28,7 USD/m2/tháng trong Q1.22, lần lượt tăng 1,3% và 0,3% so với quý trước. Giá thuê thực tế ở các TTTM Trọng điểm trên toàn thị trường tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái do chủ nhà đã áp dụng chính sách tăng giá tự nhiên theo năm từ Q1.22 vốn bị ngưng lại trong suốt năm 2021 do đại dịch. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng giá theo lạm phát này chủ yếu diễn ra ở một số TTTM vốn có tỷ lệ lấp đầy tốt và ít chịu ảnh hưởng bởi đại dịch. Đối với các TTTM còn lại, chủ nhà vẫn linh hoạt trong việc xem xét giá thuê tốt cho khách thuê dựa trên sản phẩm, diện tích thuê và thời hạn thuê.
Triển vọng: Các dự án tích hợp và tối ưu trải nghiệm khách hàng được mong chờ
Vincom Smart City với 40.800 m2 diện tích bán lẻ sẽ là điểm nhấn của nguồn cung mới vào năm 2022. Về tình hình hoạt động của thị trường, tỷ lệ lấp đầy tại các trung tâm thương mại hiện hữu dự kiến sẽ tăng do sức mua của khách hàng sẽ cải thiện khi dịch được kiểm soát. Tuy nhiên, với sự phát triển của mua sắm trực tuyến trong hai năm qua, khách thuê, đặc biệt là các thương hiệu bán lẻ nước ngoài sẽ phát triển một số mô hình cửa hàng mới để cung cấp trải nghiệm khách hàng tốt hơn, chẳng hạn như mua hàng trực tuyến và lấy hàng tại các điểm cửa hàng, hoặc cửa hàng bán lẻ tương tác. Điều này sẽ sẽ đòi hỏi các chủ nhà cần có sự thay đổi và phát triển trong việc thiết kế cũng như vận hành các dự án mới để phù hơp với xu hướng mới.
Chú thích:
[1] Giá thuê thuần trung bình của các TTTM Trọng điểm, chưa bao gồm VAT và phí quản lý. Định nghĩa về TTTM Trọng điểm và phân hạng TTTM được chú thích ở phần Thuật ngữ
[2] Giá thuê thuần trung bình của các TTTM Trọng điểm được phân theo khu vực. Trong đó, Khu vực Trung tâm bao gồm các quận Hoàn Kiếm (khu lõi trung tâm), Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng. Khu vực Ngoài trung tâm bao gồm tất cả các quận/huyện còn lại.
Nguồn: BP. Nghiên cứu JLL
GHI CHÚ:
Tương ưng với sự phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam, chúng tôi thường xuyên đánh giá và cập nhật hệ thống phân loại, xếp hạng, cũng như phương pháp luận nhằm đảm bảo trọng tâm nghiên cứu phản ánh đúng tình hình thị trường
Kể từ Q1.21, trong báo cáo này:
Nguồn cung sẽ bao gồm ba loại TTTM được phân loai như sau: TTTM cộng đồng, TTTM cấp vùng, và TTTM siêu vùng
Hiệu suất thị trường chỉ bao gồm các TTTM Trọng điểm ( một tập hợp con của Nguồn cung trên) Đây là một trong những loại hình TTTM được quan tâm nhiều trên thị trường.
Vui lòng tham khảo phần Thuật ngữ để biết định nghĩa chi tiết về tất cả các thuật ngữ mới ở trên.
Cần lưu ý rằng bản sửa đổi này có thể sẽ dẫn đến một số thay đổi trong dữ liệu lịch sử.