Tin tức

Tổng quan Kinh tế Việt Nam Q2 2021

Làn sóng Covid thứ tư - “cản bước” phục hồi của thị trường Q2 2021

tháng bảy 02, 2021

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng khả quan trong Q2.21, tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Ngành công nghiệp và xây dựng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh nhất, đạt mức 8,36%, trong khi ngành dịch vụ tăng 3,96% và nông, lâm thủy sản tăng ở mức 3,82%.

Tốc độ tăng trưởng 5,64% của 6 tháng đầu năm 2021 thấp hơn so với mức dự báo 7,11% được đưa ra tại nghị quyết số 01/NQ-CP, do dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4/2021 đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.

Mặc dù triển vọng tăng trưởng vẫn khá tích cực song để hoàn thành mục tiêu đề ra, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng 6 tháng cuối năm đều phải trên mốc 7%. Đây là một con số rất áp lực trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và nguồn cung vaccine còn hạn chế.

Tổng mức bán lẻ và hàng hóa tiếp tục phục hồi dù nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội tại các địa bàn có sự bùng phát của dịch. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động vận tải hành khách tiếp tục gặp khó khăn, với 1.813,5 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 88,2 nghìn lượt người trong 6 tháng đầu năm 2021, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo dõi

Tìm kiếm báo cáo khác? Không bao giờ bỏ lỡ các báo cáo

Tin tức mới nhất, thông tin chi tiết và cơ hội từ thị trường bất động sản thương mại toàn cầu gởi đến hộp thư của bạn.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức 15,3 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2021, chỉ bằng 97,4% so với cùng kì năm 2020. Tuy tổng vốn FDI sụt giảm so với cùng kì năm trước, vốn FDI giải ngân trong 6 tháng đầu năm đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ.

Trong tổng số 18 ngành nghề thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm 2021, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,98 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là ngành sản xuất, phân phối, với tổng vốn đầu tư 5,34 tỷ USD, chiếm gần 35% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực: kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ. Về đối tác đầu tư, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021, với tổng cộng 5,6 tỉ USD, chiếm 36,9% tổng vốn FDI đăng ký. Tiếp theo là các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân Q2.21 tăng 2,67% so với cùng kỳ năm trước, và CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Nguyên nhân chính khiến tăng CPI chủ yếu là do (1) giá xăng dầu trong nước đã điều chỉnh tăng 10 lần liên tiếp, bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 17,01%, làm CPI chung tăng 0,61 điểm phần trăm (2) Nhóm giáo dục tăng 4,47% do thực hiện Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 điều chỉnh tăng giá học phí năm học 2020 - 2021 trong khung quy định. (3) Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 6 tháng đầu năm nay tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, góp phần làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm.

Ở chiều ngược lại, có một số nguyên nhân làm giảm CPI 6 tháng đầu năm: (1) ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người dân hạn chế đi lại (2) Giá các mặt hàng thực phẩm 6 tháng đầu năm giảm 0,39% so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại chuyển từ xuất siêu trong Q1.21 sang nhập siêu trong Q2.21: Bất chấp làn sóng Covid-19 thứ 4, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 316,73 tỉ USD, tăng 32,2% so với cùng kì năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 157,63 tỉ USD, tăng 28,4% so với cùng kì năm trước, trong khi giá trị nhập khẩu đạt 159,1 tỉ USD, tăng 36,1% so với cùng kì năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 1,47 tỷ USD. Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 44,9 tỷ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, và Nhật Bản. Về thị trường nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,4 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 25,2 tỷ USD, tăng 21,1% và Thị trường ASEAN đạt 20,9 tỷ USD, tăng 47,7%.

Doanh nghiệp đăng kí mới trong 6 tháng đầu năm gia tăng về cả số lượng và vốn đăng kí : Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 67,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 942,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 484,3 nghìn lao động, tăng 8,1% về số doanh nghiệp, tăng 34,3% về vốn đăng ký và giảm 4,5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khảo sát mới nhất, 31,8% các doanh nghiệp chế tạo và sản xuất được hỏi cho rằng sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Cùng lúc đó, chỉ có 39,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2021, chỉ số này thấp hơn nhiều so với mức 85,1% được ghi nhận ở quý trước đó.

Liên hệ chúng tôi

Hãy cho chúng tôi biết những gì bạn quan tâm hoặc đang tìm kiếm và chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn