Tin tức

Tổng quan Kinh tế Việt Nam Q3 2021

Kết thúc lạc quan cho một Quý 3 trầm lắng

tháng mười 01, 2021

Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận mức tăng trưởng GDP âm, tính từ năm 2000: GDP Q3.21 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Ngành duy nhất chứng kiến đà tăng trưởng trong Q3.21 là ngành nông, lâm và thủy sản, với mức tăng 1,04%, trong khi ngành công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%, và ngành dịch vụ giảm 9,28%

GDP 9 tháng đầu năm chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam.

ADB đã hạ mức dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam xuống 3,8%, giảm so với dự báo 5,8% được đưa ra vào tháng 7. Tuy nhiên, tổng cục thống kê đưa ra dự báo khiêm tốn hơn, với mức tăng trưởng kinh tế năm 2021 dự báo đạt 2,5% nếu quý IV đạt được mức tăng 5,3%. Sự phục hồi của nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh, tốc độ tiêm chủng, và các biện pháp mở cửa nền kinh tế. Tuy nền kinh tế gặp nhiều thách thức, ADB và các nhà đầu tư nước ngoài vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn, với dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng ở mức 6.5% trong năm 2022. 

Tổng mức bán lẻ và hàng hóa giảm mạnh khách quốc tế đến Việt Nam vẫn giảm mạnh do ảnh hưởng của các biện pháp chống dịch: Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động vận tải hành khách tiếp tục gặp khó khăn, với 2.018,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm trước, riêng quý III/2021 giảm 69,6% do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 114,5 nghìn lượt người trong 9 tháng đầu năm 2021, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 9 tháng đầu năm tăng trưởng dương bất chấp diễn biến phức tạp của dịch Covid-19: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức 22,15 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 4,4% so với cùng kì năm 2020. Tuy tổng vốn FDI tăng trưởng dương so với cùng kì năm trước, vốn FDI giải ngân trong 9 tháng đầu năm giảm nhẹ 3.5% so với cùng kỳ, đạt 13,28 tỷ USD. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 những tháng gần đây dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, đã khiến FDI giải ngân giảm. 

Trong tổng số 18 ngành nghề thu hút FDI trong 9 tháng đầu năm 2021, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 11,8 tỷ USD, chiếm 53,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là ngành sản xuất, phân phối điện, với tổng vốn đầu tư  trên 5,5 tỷ USD, chiếm gần 25% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực: kinh doanh bất động sản và bán buôn, bán lẻ. Về đối tác đầu tư, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021, với tổng cộng 6,3 tỉ USD, chiếm 28,4% tổng vốn FDI đăng ký. Tiếp theo là các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo dõi

Tìm kiếm báo cáo khác? Không bao giờ bỏ lỡ các báo cáo

Tin tức mới nhất, thông tin chi tiết và cơ hội từ thị trường bất động sản thương mại toàn cầu gởi đến hộp thư của bạn.

CPI tăng thấp nhất kể từ năm 2016: CPI bình quân Q3.21 tăng 2,51% so với cùng kỳ năm trước, và CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2021 tăng 1,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Nguyên nhân chính khiến tăng CPI là do (1) giá xăng dầu trong nước tăng 24,8% (2) Nhóm giáo dục tăng 3,76% do thực hiện điều chỉnh tăng giá học phí năm học 2020 - 2021 trong khung quy định (3) Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào (4) Giá gạo tăng 6,47% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng đà tăng của giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tích lũy của người dân trong thời gian giãn cách xã hội.

Ở chiều ngược lại, một số nguyên nhân làm giảm CPI 9 tháng đầu năm: (1) Giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0.29% so với cùng kỳ năm trước (2) Giá điện giảm tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội làm giá điện sinh hoạt giảm 0,99% so với cùng kỳ năm trước (3) Nhu cầu đi lại của người dân giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, làm giá vé máy bay giảm 20.91% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu duy trì mức tăng cao, tuy nhiên 9 tháng đầu năm 2021, Việt Nam vẫn nhập siêu 2,13 tỷ USD: 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8%, trong khi kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 2,13 tỷ USD. Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 69,8 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, và Nhật Bản. Về thị trường nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 81,3 tỷ USD, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 40,2 tỷ USD, tăng 21,6% và Thị trường ASEAN đạt 30,7 tỷ USD, tăng 41,2%. 

61.4% doanh nghiệp chế tạo và sản xuất bị ảnh hưởng trong Q3.2021, nhưng 43.4% tin tưởng tình hình sẽ được cải thiện vào Q4.2021: 9 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 85,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1195,8 nghìn tỷ đồng; tổng số lao động đăng ký là 648,8 nghìn lao động, giảm 13,6% về số doanh nghiệp, 16,3% về vốn đăng ký và 16,6% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 16,7% và Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khảo sát mới nhất, 61,4% các doanh nghiệp chế tạo và sản xuất được hỏi cho rằng sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Cùng lúc đó, 43,4% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2021, trong đó khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với tỷ lệ này là 79,4%.

Liên hệ chúng tôi

Hãy cho chúng tôi biết những gì bạn quan tâm hoặc đang tìm kiếm và chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn